Bảo vệ cây hoa đào trên Cao nguyên đá
Đã gần hết tháng Giêng, nhưng hoa đào trên Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn đang nở rất đẹp. Nó còn đẹp đến hết tháng Giêng, hoặc lâu hơn nữa; trong khi đó, ở Hà Nội, hoa đào đã tàn khi ra Giêng. Qua Tết, người Hà Nội chỉ còn thấy đào tàn trên những chiếc xe rác mà dân phố thải ra.
Nhưng lên Cao nguyên đá Đông Văn những ngày này, ta vẫn gặp bạt ngàn hoa đào, ta như được ăn một cái Tết muộn hơn, được đón một mùa Xuân dài hơn và đương nhiên đẹp hơn.
Khó có thể cưỡng lại vẻ đẹp rực rỡ như của những cây hoa đào đỏ rực bất ngờ lộ ra sau những khúc cua, trên những triền Cao nguyên đá chon von, bên bờ những nương cải Mèo vàng óng… Nó luôn tạo ra cảm giác ngỡ ngàng bất chợt, hệt như cảm giác giữa không gian vắng vẻ mênh mông bất ngờ gặp màu áo, màu khăn, màu váy sặc sỡ hay màu phớt hồng trên má của những cô thiếu nữ người Mông, người Tày, người Giáy…
Trong suốt chuyến đi khánh thành hai ngôi nhà của đồng bào người Mông ở thị trấn Đồng Văn – do báo Thể thao&Văn hóa vận động xây dựng từ tiền bán hai bức tranh của họa sĩ Đỗ Đức – tôi cứ băn khoăn mãi một điều là tại sao đồng bào không “chơi đào” như người miền xuôi. Tức là đem cành đào về cắm trong lọ hoặc đánh cả cây vào chậu. Lặn lội vào nhà anh Thào Mí Giàng, một trong hai hộ gia đình được hỗ trợ tiền xây nhà tại Xóm Mới, thị trấn Đồng Văn tôi còn có cảm giác… tiếc rẻ khi nhìn những cây đào ven đường núi vắng vẻ. Chúng nở hoa từ gốc lên ngọn, đẹp như mơ, nhưng rõ ràng là chúng… mọc hoang, chẳng phải là của ai và cũng chẳng có du khách nào vào đây ngắm. Những cây đào như thế này mang về Hà Nội dịp Tết chắc chắn là tiền triệu…
Và tôi rất bất ngờ khi được chị Lý Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, giải thích rằng, vẻ đẹp của hoa đào trên cao nguyên đá không phải… bỗng nhiên mà có, cho dù thổ nhưỡng khí hậu ở đây đã hào phóng ban tặng. Tất cả những cây đào trên Cao nguyên đá đều được bảo vệ bằng quy định cấm khai thác, bởi bất cứ lý do gì, dù chúng mọc trong vườn, bên bờ rào nhà dân, hay mọc hoang trên sườn núi. Chúng có thể thuộc sở hữu riêng của mỗi gia đình, nhưng cũng là “tài sản thẩm mỹ” của cả cộng đồng.
Tôi băn khoăn lý sự: thế ngộ nhỡ cây đào bị đổ, gãy, sâu, mục…thì có được bán không? Ngộ nhỡ người dân viện lý do đó để xin phép chặt đào đem bán thì sao? “Nếu cây đào bị đổ, gãy thì phải có bằng chứng chứ …” – một cán bộ thị trấn giải thích – “Chúng tôi sẽ đến tận cây để kiểm tra… Dịp Tết năm ngoái, chúng tôi đã bắt mấy xe chở đào về xuôi đấy”. Ngừng một lát, anh cán bộ thị trấn nói thêm, nhưng đó là trường hợp rất hãn hữu, do bị thương lái dụ dỗ thôi, chứ cả năm nay chưa xảy ra trường hợp nào. Người dân đều đồng thuận với quy định này, bởi các bạn thấy không, hoa đào thật đẹp, người dân hiểu điều đó hơn bao giờ hết nên chính bản thân họ đã thấy cần phải giữ gìn vẻ đẹp đó…
3. Lâu nay, đối với rất nhiều người miền xuôi, cái gì không ở trong nhà, trong vườn nhà mình, không thuộc sở hữu của cá nhân tập thể hoặc Nhà nước thì có nghĩa là… của trời. Như thế là thoải mái khai thác, xâm hại: chim trời, cá nước, cây cối, hoa quả hoang dại, ai nhanh tay đánh lưới, hái lượm được thì được. Không chỉ giành lấy mà còn tận thu, hủy diệt. Nếu có bị phê phán thì lý sự rằng con cá, con chim ấy đâu phải của ai, đâu có trong danh mục bảo tồn, đâu có trong luật nọ, luật kia… thì không thể cấm tôi lấy.
Thế nhưng từ vẻ đẹp của hoa đào trên Cao nguyên đá cho thấy một điều rằng, để bảo vệ được cái đẹp – một di sản vô hình, phi vật thể – thì không thể mang tâm lý tư hữu ấy. Để bảo vệ nó, không chỉ nhìn vào những điều luật mà còn phải nhìn vào lòng người. Khi mọi người cùng nhận thấy giá trị mà một quy định đem lại thì dần dần họ sẽ tự nguyện tuân thủ, dần dần sẽ thành quy ước.
Rời Cao nguyên đá, những cây hoa đào vẫn bung nở sắc Xuân trên khắp các nẻo đường. Vẻ đẹp ấy, đúng là không phải bỗng nhiên mà có. Đó là một giá trị mà những đồng bào nơi Cao nguyên đá đã trân trọng, gìn giữ cho các du khách và cho chính họ.