Để không phải lo nguồn gốc xuất xứ hoa quả

Hoa quả ngoại nhập – đặc biệt là hoa quả Trung Quốc nhập lậu – có tẩm hóa chất bảo quản độc hại hiện đang là mối lo lớn của người tiêu dùng. Qua kiểm tra, ngành chức năng đã phát hiện: tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 30-60% số mẫu hoa quả tươi (chủ yếu là nhập lậu) được kiểm định có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó có 5% vượt ngưỡng cho phép. Làm sao để phân biệt được xuất xứ các loại hoa quả là điều mà người tiêu dùng rất quan tâm.

Trên thực tế, khó có thể tin vào thông tin xuất xứ hoa quả do người bán hàng cung cấp, có thể do thực sự họ không biết, nhưng phần lớn là vì mối lợi cá nhân nên họ cố tình nói sai nguồn gốc các loại trái cây mà mình bán. Thị trường hiện có các loại hoa quả như táo, nho, cam, quýt, hồng, dưa hấu có nhiều xuất xứ khác nhau: trồng tại Việt Nam, nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Thái Lan, Nhật Bản… Nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt để có sự lựa chọn an toàn đối với các loại hoa quả trên thị trường, Tiến sĩ Đinh Văn Đức, làm việc tại Phòng Bảo vệ thực vật – Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) có một số hướng dẫn sau:

Táo: Các loại táo to đang bày bán trên thị trường chủ yếu là nhập từ Trung Quốc, New Zealand, Mỹ. Táo Trung Quốc quả thường tròn, được bọc trong lưới xốp (lưu ý khi bóc lưới xốp ra thấy rất nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả, đó là do hóa chất bảo quản vỏ bị bay hơi). Còn táo New Zealand, Mỹ thì hình dáng hơi vuông (có góc cạnh), cao thành.

Cam: Cam VN có 2 loại: cam xanh quả to, vỏ sần và cam quả tròn, nhỏ có màu xanh vàng (cam Vinh). Do quá trình phòng trừ giống nhện (châm vỏ cam) của VN chưa tốt nên vỏ cam nội thường bị rám. Hiện nay, cam ngoại trên thị trường chủ yếu là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, chứ không có cam Mỹ, Úc, New Zealand như người bán quảng cáo. Loại cam này quả rất to, bọc trong lưới, có màu vàng tươi do bị tẩm hóa chất và bị đánh bóng.

cam

Nho: Nho nhập ngoại chủ yếu là nho Mỹ thông qua các nước là Nhật và New Zealand, gồm nho xanh và nho tím. Thực tế, hầu như Trung Quốc không xuất nho. Thông thường cũng dễ phân biệt nho nội và nho ngoại: Nho tím của VN quả thường nhỏ, nho xanh thì chùm ngắn, có màu xanh tươi; cuống nho nội rất tươi và thời vụ chính là từ tháng 7-10. Còn giống nho Mỹ màu tím quả tròn, to; giống nho xanh chùm rất dài và có màu xanh vàng. Đáng lưu ý là vì trải qua nhiều công đoạn như hái, bảo quản, vận chuyển dài ngày nên cuống nho ngoại thường bị héo.

Hồng: Hiện nay trên thị trường có hai loại: hồng Việt Nam và hồng Trung Quốc. Vì quả hồng rất dễ nát nên hàng nhập lậu thường bị tẩm nhiều thuốc bảo quản để giữ được hình dáng. Ngoài ra, hồng Trung Quốc có vỏ rất đẹp, đỏ đậm (do bị bôi phẩm màu). Còn hồng Việt Nam thường xấu mã, núm quả có nhiều đốm đen, bóc ra thấy phần ruột gần núm hơi bị cứng. Hiện nay, nói chung tư thương ít nhập hồng Trung Quốc vì hàng này rất dễ giập nát, hư hỏng.

hong

Dưa hấu: Phần lớn dưa hấu trên thị trường (loại vàng vỏ, vàng ruột) là của Trung Quốc nhưng lại lấy nhãn mác New Zealand. Loại quả này hay bị tiêm nước đường hóa học vào ruột nên khi bổ ra sau vài tiếng, ruột quả sẽ bị nhũn.

Quýt: Thông thường hàng quýt nhập lậu của Trung Quốc vào VN người tiêu dùng hay bị nhầm với loại quýt chum nội. Tuy nhiên, vẫn có thể phân biệt được qua các dấu hiệu: quýt ta mỏng vỏ, vỏ bị rám, cao thành; quýt Trung Quốc vỏ dày, bị đánh bóng, quả thấp và khi bóc ra hai đầu múi quýt thường khô. Quýt chính vụ của Việt Nam thu hoạch từ tháng 10 đến khoảng tháng 2 năm sau.

quyt

Lời khuyên :

–  Không nên dùng thường xuyên đồ hoa quả ngoại, vừa đắt tiền mà độ an toàn không cao.

–  Trước khi ăn hoa quả, hãy ngâm chúng vào nước muối loãng khoảng 30 phút để làm tan dư lượng hóa chất bảo quản ngấm vào vỏ.

– Trước khi ăn phải gọt, bóc vỏ.

–  Khi bổ hoa quả ra, thấy ruột có dấu hiệu nhũn, màu khác thường thì nên vứt bỏ.