Dinh dưỡng ở tuổi thanh thiếu niên
Nhu cầu dinh dưỡng ở thiếu niên khác với ở trẻ em vì kích thước cơ thể lớn hơn, sẽ trải qua thời kỳ dậy thì và cũng khác với người trưởng thành do tốc độ lớn nhanh và nhu cầu chuyển hóa cao hơn.
Do đó nhu cầu năng lượng, protein và các chất dinh dưỡng khác cần cao hơn ở người trưởng thành. Ở trẻ em gái bắt đầu thấy kinh, cần có lượng sắt cao hơn. Ở số đông thanh thiếu niên, nhu cầu dinh dưỡng còn tăng lên do các hoạt động thể dục thể thao.
Ở trẻ em hiện tượng tăng nhanh về chiều cao thường ở tuổi 10 – 13 ở nữ và 12 – 15 Ở nam. Thời kỳ tăng tốc về tăng trưởng đóng góp 12 – 20% chiều cao và 45 – 50% cân nặng của tuổi trưởng thành. Thông qua thời kỳ này, tỷ lệ khối mỡ giảm đi ở nam tăng lên ở nữ. Hết thời kỳ thiếu niên, tỷ lệ khối nạc ở nam cao gấp đôi ở nữ.
Sự khác nhau về khối nạc dẫn tới sự khác nhau về nhu cầu các chất đa lượng. Nhu cầu năng lượng tiling ngày theo đơn vị chiều cao tăng lên ở nam thiếu niên và giảm đi ở nữ do sự khác nhau về khối mỡ của cơ thể. Thiếu dinh dưỡng làm chiều cao tăng chậm và muộn dậy thì. Các chất dinh dưỡng chính để tăng trưởng và phát triển gồm sắt, calci, vitamin c, và kẽm.
>> Xem thêm:
Thanh thiếu niên là lứa tuổi có cả nguy cơ thiếu và thừa dinh dưỡng, do đó nên theo dõi đánh giá qua chỉ số khối cơ thể (BMI). Đây là lứa tuổi có các biểu hiện tự khẳng định mình, hình thành các hành vi có thể tốt hay xấu. Các hành vi liên quan đến dinh dưỡng cần chú ý là hay ăn ở ngoài gia đình, ăn qua loa các bữa chính, ăn thức ăn nhanh và uống rượu.
Chán ăn do tâm lý là tình trạng bệnh lý không rõ nguyên nhiều có biểu hiện kém ngon miệng, tụt cân thường hay gặp ở phương Tây ở tầng lớp trên và trung lưu.
Thiếu máu do thiếu sắt ở lứa tuổi này là vấn đề dinh dưỡng phổ biến khắp toàn cầu, không phân biệt chủng tộc với tầng lớp xã hội. Hai nhóm có nguy cơ đặc biệt là vị thành niên có thai và vận động viên, Ở vận động viên, nhu cầu sắt tăng là do tổ chức cơ phát triển và tăng số lượng hồng cầu.
Cần chú ý tình trạng thiếu sắt xảy ra cả khi chưa có biểu hiện thiếu máu. Tình trạng thiếu máu ở vị thành niên có thai rất nguy hiểm dẫn tới đẻ non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Thiếu máu dinh dưỡng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mọi lớp tuổi, đặc biệt lứa tuổi đang phát triển nhanh là thanh thiếu niên. Tuy vậy, vấn đề này chưa được chú ý đúng mức.
Tình trạng béo phì ở tuổi thiếu niên báo trước béo phì khi trưởng thành. Sự phối hợp giữa một lối sống ít hoạt động thể lực với chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh (fast food) nhiều béo, đường, muối và năng lượng dẫn tới tăng cholesterol, insulin và tăng huyết áp.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch có thể xuất hiện sớm từ tuổi thanh thiếu niên và nếu có, thường kéo đến tuổi trưởng thành. Trẻ vị thành niên béo phì thường dậy thì sớm nên thời gian phát triển chiều dài của xương ngắn hơn và trở nên thấp hơn khi trưởng thành.
Do đó việc giáo dục thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý ở lứa tuổi này là cần thiết, tuy vậy, thường ít kết quả vì tuổi trẻ vẫn cho rằng họ có thể ăn và uống (rượu) một cách vô tư.